GIÁO XỨ TRUNG THÀNH – PHỐ KÊNH 8 - Vào năm 1959, có 21 gia đình với 81 người đến sinh sống. Năm 1964, giáo họ Trung Thành được thiết lập và thuộc giáo xứ Trung Tâm Cái Sắn. Năm 1973, được trở thành một giáo xứ. 1964 : Cha Px. Nguyễn Thượng Uyển 1973 : Cha Gs. Vũ Trung Nghiêm 1976 : Cha Gs. Cao Văn Bài 1987 : Cha Gk. Đặng Văn Phàn. 2009 : Cha Gs. Vũ Đức Thận. - Giáo dân khoảng 3.259 nhân danh, trên tổng số 6.325 người. - Nhà thờ hiện nay được xây dựng vào năm 1981 và được hoàn thành vào năm 1990. *Đặc điểm về mục vụ: - Giáo xứ chủ trương tinh thần chung: Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc với đường hướng đặt ra: Tốt đời đẹp đạo, sống bác ái chia sẻ. - Giáo xứ có các đoàn thể: Dòng ba, Hiền mẫu, Gia trưởng, Giáo lý viên, Ca đoàn, Thiếu nhi. - Các lớp giáo lý học quanh năm – các khóa giáo lý hôn nhân, dự tòng được mở thường xuyên. !

14 tháng 2, 2013

KẾ HOẠCH LÀM ĂN CỦA CHÚA GIÊSU


KẾ HOẠCH LÀM ĂN CỦA CHÚA GIÊSU

Một trong những yếu tố quan trọng của người lãnh đạo, kinh doanh mở hàng hiệu là biết chọn đất để làm cơ sở, biết đặt tên cho thương hiệu của mình, rồi tìm mọi cách để quảng cáo, bên cạnh đó là tìm người cộng tác (đối tác làm ăn).Thời đại càng văn minh, người ta càng cạnh tranh mạnh về những yếu tố này. Chuyện làm ăn kinh tế vật chất là như thế. Bài Tin Mừng cho chúng ta thấy những nét tương tự nhưng ở phương diện khác.
 Đức Giêsu là nhà lãnh đạo tinh thần, sáng lập tôn giáo đã thực hiện một phương pháp làm việc với ‘kế hoạch dài hạn’ chứ không phải như những công ty trách nhiệm hữu hạn hiện nay.
 Trước hết, Chúa Giêsu cũng chọn mạnh đất để cắm dùi, để thiết lập ‘cơ sở làm ăn’: truyền giáo. Buổi đầu tiên khai trương, Chúa Giêsu rời bỏ quê hương Nagiarét đến miền Caphanaum, một thành phố ven hồ Galilê. Chúa Giêsu rất không ngoan chọn nơi phố xá đông người, sầm uất để làm ăn, ra mắt thiên hạ (giống như bà con buôn bán thích chọn phố phường).
 ’Vạn sự khởi đầu nan’.Cơ sở làm ăn đầu tiên của Chúa Giêsu nằm ở ven biển hồ Galilê. Không phải là do Chúa chọn tình cờ hay ngẫu hứng mà đã được chuẩn bị, nhắm trước từ lâu rồi. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đã được sắp xếp kỹ lưỡng như lời ngôn sứ Isaia đã báo trước mấy trăm năm về cơ sở này là : “đoàn dân đang sống trong cảnh tối tăm mù mịt đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ ngồi trong bóng tối tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi’ (Mt 4, 16). Có lẽ chúng ta sẽ thắc mắc, tại sao Caphanaum ven biển hồ phố xá văn minh mà Is lại gọi là nơi đang sống trong cảnh tối tăm mù mịt. Thưa : có thể là họ có đầy ánh sáng tự nhiên của đèn điện nhưng ánh sáng chân lý, ơn cứu độ của Đức Giêsu là ánh sáng trần gian thì bị thiếu trầm trọng. Cũng như bây giờ ở các thành phố văn minh hay tại Việt Nam cũng vậy. Thành phố thì đầy ánh sáng đèn điện nhưng còn đầy vùng tối tăm, đầy quán xá đèn mờ, heo hút thăm thẳm của sự chết. 
 Việc thứ hai của Đức Giêsu sau khi đã chọn mảnh đất làm cơ sở thì Ngài đặt ‘thương hiệu’ và quảng cáo cho chương trình hành động của Ngài bằng lời rao giảng: “Anh em phải sám hối, vì triều đại Thiên Chúa đã đến gần”(Mt 4, 17). Phương châm hành động của Đức Giêsu tóm gọn trong lời rao giảng đầu tiên này. Cả cuộc đời Chúa Giêsu chỉ đầu tư tất cả cho việc kêu gọi người ta ăn năn sám hối, bỏ đàng tội lỗi và tin vào tin mừng của Ngài. Phương châm của Chúa thì ngắn gọn như thế nhưng việc con người đón nhận kh6ng dễ dàng. Thương hiệu của Chúa dễ nhớ như thế đó, nhưng người nghe cũng rất dễ quên do ảnh hưởng của cuộc sống chi phối, lấn át. Lời quảng cáo cho chương trình của Chúa dễ hiểu như thế đó, nhưng áp dụng thực hành không đơn giản vì nó đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cuộc sống tận gốc rễ của mình.
 Lời rao giảng về sự sám hối và đón nhận Tin mừng, Nước trời còn được Đức Giêsu giải thích, lặp lại nhiều lần sau đó dưới nhiều hình thức khác nhau. Tất cả chỉ với mục đích cho con người được ơn cứu độ.
 Việc thứ ba của Chúa Giêsu sau khi đã chọn thương hiệu, đặt phuơng châm hành động thì Ngài chọn đối tác để làm ăn. Người được chọn để ‘làm ăn’ với Chúa ở ngay vùng đất này. Tất cả đều làm nghề chài lưới trên biển hồ; tất cả đều là những chàng trai vạm vỡ với nghề sông nước nuôi vợ con. Điều đặc biệt: bn người là hai cặp anh em ruột : Phêrô, Anrê; Giacôbê, Gioan. Chúa Giêsu gọi họ đi làm ăn với Chúa bằng lời lẽ rất lạ lùng :”Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Dân chài lưới cũng tham lam, thường mơ ước bắt được những con cá to lắm chứ.
 Nhưng mấy khi bắt được con cá to bằng con người? Mà Chúa Giêsu lại bảo họ sẽ trở thành kẻ lưới người ta như lưới cá ! Chắc chắn các ông phải có sự so sánh, tính toán trong đầu. Vì thế, ngay lập tức họ sẵn sàng bỏ chài lưới, bỏ nghề cũ, bỏ lại người cha già trên thuyền để đi làm ăn với Chúa.
 Lần đầu tiên một ‘hợp đồng làm ăn’ của Chúa với đối tác được chấp thuận không cần văn bản chữ nghĩa mà chỉ cần lời nói suông là xong. Thế mới lạ chứ. Nhưng không phải vì thế mà hợp đồng không có giá trị hay phía người cộng tác sẽ lỏng lẻo có thể bỏ bất cứ lúc nào chăng. Chúa Giêsu và người cộng tác đã trở thành bạn hữu, sống chết với nhau và trung thành bên nhau trọn đời.
 Thế rồi Chúa Giêsu và những người cộng tác tiếp tục hành trình rao giảng, chữa bệnh tật cho dân chúng ở khắp mọi nơi. Dần dà, các môn đệ mới hiểu ra rằng : cơ sở của Chúa Giêsu không thiết lập ở một chỗ, không cố định một nơi mà ở khắp tứ phương thiên hạ, nay đây mai đó; mà cũng chẳng có phương tiện tối thiểu nữa, đến độ như Chúa đã nói: “con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có nơi gối đầu”. Sự lang thang phiêu bạt của Chúa nói lên sứ mệnh cao cả, khẩn trương khiến Ngài phải hy sinh, tận tuỵ để làm sao chỉ xoay quanh mấy việc là : rao giảng, chữa bệnh, phục vụ, tìm kiếm người tội lỗi. Trái tim Chúa Giêsu là trái tim không ngủ yên mà. Dòng máu luôn sôi sục, bàn tay luôn ban phát, đôi chân không ngưng nghỉ. Tất cả chỉ vì yêu thương ở với con người cho đến ngày tận thế.
 Liệu chúng ta có là những người ở trong vùng đất, cơ sở Chúa Giêsu thiết lập chăng? Liệu chúng ta đã là người hưởng ứng lời kêu gọi của Chúa “anh em phải sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”? Liệu chúng ta đã dám cộng tác với Chúa khi Ngài lên tiếng mời gọi ‘hãy theo Ta’ chưa? Tuy chưa đến nỗi phải bỏ nghề nghiệp, bỏ người thân yêu nhất để cộng tác với Chúa, nhưng liệu chúng ta đã dám có một chút hy sinh về thời giờ, vật chất, sức khoẻ, mối tương quan gần gũi để đóng góp với Chúa vào việc truyền rao tin mừng cứu độ, xây dựng giáo hội?
 Những cánh tay và đôi chân nối dài của Chúa không chỉ là các tông đồ mà là mọi kitô hữu hôm nay khi đã được rửa tội đều đương nhiên trở thành môn đệ của Chúa. Trong cuộc sống hàng ngày, có lẽ người kitô hữu chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều dịp không nghe lời rao giảng của Chúa, không đáp lại tiếng gọi của Chúa, không làm chứng tá cho Chúa để tiếp nối sứ mạng của các tông đồ ngày xưa. Thiết tưởng cuộc sống càng khó khăn, xã hội càng nhiều vấn đề, người kitô hữu càng có nhiều dịp để làm chứng cho Chúa.
 Làm môn đệ cho Chúa không bao giờ là muộn cả. Làm chứng cho Chúa không bao giờ là thừa. Vì ơn cứu độ và tình yêu của Chúa phải được lưu truyền, lưu thông tới mọi người, cho mọi nơi, mọi thời đại.
 Đời sống đức tin, đời sống chứng nhân luôn gặp những thách đố. Công việc giới thiệu Chúa cho người khác luôn gặp khó khăn. Anh sáng của Chúa luôn cần nhiều người thắp lên. Nếu chúng ta chỉ để mặc cho các linh mục, tu sĩ rao giảng thì ánh sáng sẽ mờ nhạt; nhưng nếu tất cả mọi người kitô hữu đều giương cao ngọn đuốc tin mừng thì thế giới sẽ nóng ấm, sáng ngời, phận người sẽ bớt tối tăm, cuộc đời bớt lạnh lẽo, thế giới được cứu độ.

Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Bài viết ngẫu nhiên

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...