GIÁO XỨ TRUNG THÀNH – PHỐ KÊNH 8 - Vào năm 1959, có 21 gia đình với 81 người đến sinh sống. Năm 1964, giáo họ Trung Thành được thiết lập và thuộc giáo xứ Trung Tâm Cái Sắn. Năm 1973, được trở thành một giáo xứ. 1964 : Cha Px. Nguyễn Thượng Uyển 1973 : Cha Gs. Vũ Trung Nghiêm 1976 : Cha Gs. Cao Văn Bài 1987 : Cha Gk. Đặng Văn Phàn. 2009 : Cha Gs. Vũ Đức Thận. - Giáo dân khoảng 3.259 nhân danh, trên tổng số 6.325 người. - Nhà thờ hiện nay được xây dựng vào năm 1981 và được hoàn thành vào năm 1990. *Đặc điểm về mục vụ: - Giáo xứ chủ trương tinh thần chung: Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc với đường hướng đặt ra: Tốt đời đẹp đạo, sống bác ái chia sẻ. - Giáo xứ có các đoàn thể: Dòng ba, Hiền mẫu, Gia trưởng, Giáo lý viên, Ca đoàn, Thiếu nhi. - Các lớp giáo lý học quanh năm – các khóa giáo lý hôn nhân, dự tòng được mở thường xuyên. !

5 tháng 1, 2012

Sống thân phận nghèo một cách đạo đức


Sống thân phận nghèo một cách đạo đức

Xung quanh tôi có nhiều người công giáo nghèo.
Họ nghèo về tiền của.
Họ nghèo về sức khoẻ.
Họ nghèo về uy thế.
Họ nghèo về chức quyền.
Nhưng họ lại là những chứng nhân về một sức sống thiêng liêng mãnh liệt.
Hằng ngày, họ dâng lên Chúa thực tế đời họ. Đời họ thực nghèo khổ.
Hằng ngày, họ tạ ơn Chúa về những niềm vui và những đớn đau.
Hằng ngày, họ cầu nguyện như hơi thở cần thiết cho liên hệ của đứa con bé nhỏ đối với Cha mình.
Hằng ngày, họ đón nhận vô vàn ơn Chúa với lòng khiêm tốn vâng phục.
Ở đây, tôi xin kể ra mấy ơn đặc biệt Chúa thường ban cho họ.

1/ Thuộc về Đức Kitô một cách sâu sắc

Thuộc về, đó là khuynh hướng nhắm đến yếu tố phân biệt.
Có những người hãnh diện, vì mình thuộc về đoàn thể này, họ đạo kia.
Có những người cố gắng hết sức mình, để người ta nhận ra mình thuộc về nhóm này, tổ chức nọ.
Nhưng nhiều người nghèo tôi nói đây lại vinh dự ưu tiên xưng mình thuộc về Đức Kitô, là kitô hữu.
Thuộc về Đức Kitô là tin mến Đức Kitô, đi theo Đức Kitô, vâng phục Đức Kitô, nhất là được chia sẻ đời sống của Đức Kitô.
Sự sống, mà Đức Kitô thường chia sẻ cho họ là sự sống của Thiên Chúa.
"Thiên Chúa là tình yêu" (1 Ga 4,8).
"Thiên Chúa giàu lòng thương xót" (Ep 2,41).
Nên đời sống của họ toả sáng tình Chúa xót thương.
Họ thuộc về Đức Kitô, như cành cây gắn chặt với thân cây.
Thuộc về như thế là một cải đổi cái tôi cũ để nên cái tôi mới.
Thuộc về như thế là công việc của Chúa Thánh Thần, Người đổi mới hằng ngày. Âm thầm mà sâu thẳm. Không một hội nghị nào, không một sinh hoạt đoàn thể nào, dù phong phú đến đâu, có thể sản sinh được sự thuộc về kỳ diệu ấy.
Với sự thuộc về Đức Kitô một cách mật thiết như vậy, những người kitô nghèo khó đã trở nên giàu có. Có Đức Kitô trong mình, họ được hạnh phúc và bình an. Họ ra đi, mang theo kho tàng ấy, để phục vụ con người. Những người mà họ dễ gần gũi hơn chính là những người nghèo khổ như họ.

2/ Phục vụ những người nghèo khổ một cách gần gũi thân tình

Họ đến với những người cùng số phận nhân danh Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Món quà họ tặng chủ yếu là tình yêu.
Trong tình yêu Chúa, họ chia sẻ những đớn đau của người khác. Họ đau nỗi đau của người khác. Họ khổ nỗi khổ của người khác. Họ ở lại với cảnh khổ đau của người khác. Ở lại một cách nào đó, để tình yêu Chúa và tình yêu của họ luôn hiện diện bên người đau khổ.
Người đau khổ rất cần đến tình thương. Tình thương của những người nghèo khổ chia sẻ cho nhau thường không gây nên mặc cảm.
Từ thiện bác ái của những người giàu có, chức quyền, vẫn thường thực hiện trong một khoảng cách nhất định. Khoảng cách không những về tình trạng kẻ cho người nhận, mà nhất là về thực tế tình thương.
Không thiếu trường hợp, ban phát mà không chia sẻ, coi từ thiện như một trang trí, đến rồi đi, như lướt qua những con số.
Cảnh người nghèo thương giúp người nghèo, người bệnh, người cô đơn, thật là xúc động. Có nhiều cho nhiều, có ít cho ít. Nhiều lúc, họ nhịn ăn, để nhường cơm cho kẻ nghèo hơn họ hay như họ.
Tại Việt Nam hôm nay, đang xuất hiện nhiều nhóm đạo đức, tình nguyện dấn thân phục vụ những người nghèo khổ. Họ sống với người nghèo, sống giữa người nghèo, sống như người nghèo, sống hoà mình vào cảnh nghèo.
Họ cho đi rất nhiều. Và họ cũng đã nhận được rất nhiều.
Nhiều người nghèo túng, bệnh tật, cô đơn, bị nhục nhã, bị loại trừ, đã là trường học Chúa dùng, để dạy tất cả mọi người về đức tin, tình liên đới và sự can đảm.
Họ là Hội Thánh bé nhỏ đứng dưới chân Chúa Giêsu chịu treo trên thánh giá. Nhóm người mọn hèn ấy chỉ dùng sự hiện diện lặng thinh đồng cảm của mình, mà cùng với Chúa Giêsu góp phần cứu độ nhân loại.

3/ Thánh hoá những phương tiện mong manh, bé mọn

Con người của họ là rất mong manh mọn hèn. Những việc họ làm là rất âm thầm bé nhỏ. Những bước đi của họ là rất khiêm tốn lặng lẽ. Nhưng họ được Chúa dùng, để đem Tin Mừng vào đời.
Rất nhiều khi, những cuộc lễ quy mô hoành tráng, mang tính cách biểu dương lực lượng, phẩm trật và thành tích, lại chỉ đem về những hiệu quả nghèo về Tin Mừng. Đang khi đó, một vài cuộc đời nghèo khổ không ngừng làm chứng cho Thiên Chúa giàu tình yêu thương xót lại gây được ảnh hưởng rộng và sâu cho Nước Chúa.
Theo một cách nhìn nào đó, người ta có thể nói: Những người nghèo là kho tàng của Hội Thánh. Họ đáng được Hội Thánh quan tâm một cách đặc biệt về thăng tiến và đào tạo.
Rồi đây, việc xoá đói giảm nghèo sẽ tăng. Nhưng đồng thời sẽ lại sinh ra những cái nghèo đói mới. Đó là nghèo đói về bình an và đạo đức. Vì thế, việc giúp cho những người nghèo biết sống thân phận mình một cách thánh thiện, luôn sẽ là bức xúc của những người có trách nhiệm mục vụ.

Đức Cha J.B. Bùi Tuần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Bài viết ngẫu nhiên

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...