GIÁO XỨ TRUNG THÀNH – PHỐ KÊNH 8 - Vào năm 1959, có 21 gia đình với 81 người đến sinh sống. Năm 1964, giáo họ Trung Thành được thiết lập và thuộc giáo xứ Trung Tâm Cái Sắn. Năm 1973, được trở thành một giáo xứ. 1964 : Cha Px. Nguyễn Thượng Uyển 1973 : Cha Gs. Vũ Trung Nghiêm 1976 : Cha Gs. Cao Văn Bài 1987 : Cha Gk. Đặng Văn Phàn. 2009 : Cha Gs. Vũ Đức Thận. - Giáo dân khoảng 3.259 nhân danh, trên tổng số 6.325 người. - Nhà thờ hiện nay được xây dựng vào năm 1981 và được hoàn thành vào năm 1990. *Đặc điểm về mục vụ: - Giáo xứ chủ trương tinh thần chung: Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc với đường hướng đặt ra: Tốt đời đẹp đạo, sống bác ái chia sẻ. - Giáo xứ có các đoàn thể: Dòng ba, Hiền mẫu, Gia trưởng, Giáo lý viên, Ca đoàn, Thiếu nhi. - Các lớp giáo lý học quanh năm – các khóa giáo lý hôn nhân, dự tòng được mở thường xuyên. !

19 tháng 4, 2011

“KINH”, và việc đọc kinh.

Vài cảm nghĩ về “KINH”, và việc đọc kinh.

Lm. Giuse Bùi Ðức Tiến.

Trong giới hạn của bài viết này, tác giả muốn chia sẻ một vài điều về những “KINH” người Việt Nam quen đọc vào các buổi gia đình đọc kinh chiều hôm ban sáng hay trong những dịp nhóm họp cầu nguyện chung của các hội đoàn, khu xóm.

Bài viết này cũng là phần cảm nghĩ “bên lề” khi tác giả chuyển ngữ tập sách với tựa đề “SÁCH ÂN XÁ” (Enchiridion Indulgentiarum)sẽ xuất bản vào thời gian sắp tới.

Kinh là gì?

Nhìn qua lăng kính thần học thì Kinh là “những thể hiện sự nhận thức về hiện hữu của Chúa khi cảm nhận được tình yêu duy nhất của Ngài” (Jean Gerson 1363-1429). Sự nhận thức trong đức tin đặt căn bản trực tiếp trên trực giác chứ không qua cảm quan của luận lý hay khoa học.

Hiểu theo nghĩa thông thường thì Kinh là các công thức cầu nguyện ngắn gọn đã được soạn sẵn với những chủ đề và mục đích khác nhau, để hướng dẫn giúp các tín hữu đọc khi cầu nguyện riêng một mình hay cùng đọc, khi cầu nguyện chung với người khác.

Ngay từ những thế kỷ ban đầu, khi chữ viết, sách vở và trình độ của nhân loại còn eo hẹp và giới hạn, Giáo hội đã đặt ra những bài kinh ngắn gọn, dễ học thuộc lòng cho mọi giới.

Sau thời Trung cổ, Giáo hội bắt đầu phát triển công cuộc truyền giáo đến những nơi xa xôi hẻo lánh, dân chúng còn trong tình trạng bán khai, Kinh trở thành một phương tiện và dấu chứng truyền giáo đắc lực. Ði đến đâu, các nhà truyền giáo cũng khởi sự bằng việc dạy dân chúng thuộc lòng những câu kinh ngắn gọn cần thiết để bày tỏ đức tin và để cầu nguyện.

Ðối với người Việt Nam chúng ta, Kinh đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống đạo, vì cơ cấu sinh hoạt xã hội của người Việt Nam đặt căn bản trong lối sống thành làng, thành xóm. Việc thờ phượng và cầu nguyện được thể hiện qua lối sống này, ngoài việc cầu nguyện riêng ít nhiều tùy theo từng người, việc đọc kinh chung đóng một vai trò quan trọng và thể hiện thường xuyên. Không một nơi nào có người Công giáo Việt Nam mà người ta không thấy có những sách Kinh được thu góp, in đi in lại phân phát trong các cộng đoàn tín hữu. Thậm chí, có những người khi rời bỏ quê hương, xét về phương diện tôn giáo, họ có thể bỏ lại nhiều thứ kể cả Sách Kinh Thánh, nhưng họ cố gắng đem theo một quyển sách Kinh.

Ai đặt ra Kinh?

Như đã viết trên, Kinh là dấu chứng của đức tin và là phương tiện truyền giáo nên Bộ Phụng tự Các Bí Tích là nguồn của các Kinh. Tuy nhiên, về sau này, với nhu cầu của từng địa phương, ngoại trừ các Kinh không liên hệ trực tiếp đến các Bí tích hay là một phần của Bí tích, đã được các Giáo hội địa phương “sáng tác” ra, với phê chuẩn của Bản quyền địa phương trong từng trường hợp tùy theo thời gian.

Như thế, những kinh thông thường chúng ta quen đọc vào chiều hôm ban sáng hay khi nhóm họp khu xóm bắt nguồn từ Giáo hội. Trong Sách Ân Xá có ghi khoảng 100 Kinh với kèm với những ân xá qui định khi đọc từng Kinh.

Các nhà truyền giáo từ Âu châu khi đến Việt Nam đã chuyển dịch các kinh này sang ngôn ngữ Việt Nam, đầu tiên là tiếng Nôm, sau này, khoảng đầu thế kỷ thứ 19 khi chữ quốc ngữ phát triển, các nhà truyền giáo thời sau đã chuyển Kinh từ chữ Nôm sang chữ Việt Nam như chúng ta thấy ngày nay.

Ngôn ngữ cũng như các lãnh vực khác trong đời sống càng ngày càng phát triển theo chiều hướng tiện ích và văn minh. Ngôn từ dùng để giao tiếp càng ngày càng văn chương hơn càng mỹ lệ hơn, nhưng khi nhìn vào những Kinh chúng ta đang có và đang đọc thì hầu như đã không phát triển, không đổi mới. Sự không phát triển, không đổi mới này khiến cho một số người (kể cả những người cao niên hay trung niên) không thấu hiểu hết được ý nghĩa của một số lời kinh mình đọc, chưa kể một vài từ ngữ trong một vài câu kinh khi chuyển sang chữ quốc ngữ từ tiếng Hán Nôm đã không còn được xử dụng trong văn chương ngôn từ ngày nay nữa.

Qua bài viết ngắn gọn này tác giả muốn gửi vào một chút ước vọng là làm sao chúng ta có thể “cập nhật hóa” các kinh, để khi sử dụng Kinh tán tụng Thiên Chúa và cầu nguyện, chúng ta hiểu được cặn kẽ lời kinh hơn hầu tạo được một tâm tình sốt sắng khi đến với Chúa.

Ðọc đến đây, bạn đọc sẽ tự hỏi thế ai là người làm công việc “cập nhật hóa” này? Tác giả sẽ cùng chia sẻ với các bạn:

Ai được quyền thay đổi Kinh?

Theo nguyên tắc: “Ai là người đặt ra luật thì người ấy có quyền sửa đổi luật”, như thế, Bộ Phụng vụ Bí tích là cơ quan thẩm quyền thay đổi Kinh.

Qua Sắc Lệnh Christus Dominus ban hành từ Công Ðồng Vaticanô II, quyền hạn của các Giám Mục được nới rộng, ngay cả các nguyên tắc phổ quát áp dụng cho Giáo hội hoàn vũ, nếu ngài nhận thấy sự thay đổi mang lại lợi ích thiêng liêng cho giáo hữu trong Giáo phận do Ngài coi sóc. Trong hoàn cảnh đang đề cập ở đây, thẩm quyền thay đổi Kinh bằng tiếng Việt Nam ngày nay là thẩm quyền của Hội đồng Giám Mục Việt Nam qua Ủy Ban Phụng Tự của cùng Hội đồng Giám mục.

Năm 1988, Ðức Hồng Y Trịnh Văn Căn (Tổng Giám mục Giáo phận Hà Nội), đã thay đổi một số từ ngữ trong Kinh sách Việt Nam bằng cách cho xuất bản một quyển Sách Kinh mới với những thay đổi do chính Ðức Hồng Y thực hiện. Sự việc này đã không được thông qua do Hội đồng Giám mục Việt Nam, nên sự thay đổi đã không đạt được tầm mức mong ước của Ðức Hồng Y (dù là trong phạm vi Tổng Giáo phận Ngài được ủy thác). Cuối cùng, người ta nhận thấy có những lúng túng đáng bận tâm xảy ra ngay trong Tổng Giáo phận Hà Nội: người từ vùng này sang vùng khác không cùng đọc kinh chung với nhau được.

Sự thay đổi nếu có phải được chính thức và đồng bộ từ cấp độ có thẩm quyền. Không thể có một sự thay đổi do tình cảm thiêng liêng hay “nhận thấy trái ý” của một người hay một số người nào đó. Sự thay đổi này sẽ làm tổn hại đến tích cách Duy Nhất của Giáo hội đã và đang được cẩn trọng duy trì trong suốt chiều dài lịch sử của hơn hai ngàn năm qua.

Vài nhận xét thực tiễn:

Về Kinh Lạy Cha: Qua các văn kiện hợp pháp của Giáo hội Việt Nam hiện tại, Kinh Lạy Cha chính thức bằng tiếng Việt Nam là Kinh Lạy Cha được in trong Sách Lễ Rôma ấn hành năm 1972, qua phép ấn hành của Ðức Giám mục Giuse Phạm Văn Thiên, Chủ tịch Ủy Ban Phụng tự của Hội đồng Giám mục Việt Nam ký ngày 18/2/1972 (Kinh Lạy Cha này chúng ta vẫn thường đọc trong các Thánh lễ). Tất cả các hình thức Kinh Lạy Cha khác đều không chính thức, kể cả Kinh Lạy Cha được in trong Sách Lễ Roma ấn hành năm 1992.

Kinh Mân Côi (Kinh Kính Mừng): Kinh Kính mừng là một kinh cầu nguyện phổ thông diễn tả lòng sùng kính Thiên Chúa qua Ðức Trinh Nữ Maria. Kinh Kính mừng được người Việt Nam đọc rất nhiều vì thói quen cầu nguyện tốt đẹp của người Việt Nam là cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi. Ðức Mẹ khi hiện ra tại Fatima (năm 1917) đã ra mệnh lệnh: Các con hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi.

Kinh Kính mừng gồm có hai phần:

Phần thứ nhất là hai đoạn Kinh Thánh được trích ra từ Tân Ước: Ðoạn một là lời Truyền Tin của Thiên thần: “Ave gratia pleta, Dominus tecum, benedicta tu in mulieribus... ecce concipies in utero, et paries filium, et vocabis nomen eius Iesum” (Luca 1, 29-31); và đoạn hai là lời chúc tụng của bà Elizabeth khi Ðức Maria đến thăm: “Benedicta tu inter muieres, et benedictus fructus ventris tui” (Luca 1,42) (Bản Kinh Thánh Biblia Vulgata).

Bản Việt ngữ của Lm. Nguyễn Thế Thuấn, 1976, dịch: “Kính chào Ðầy Ơn Phúc, Thiên Chúa ở cùng Người, Người có phúc hơn mọi người nữ... Và này, nơi lòng dạ Người sẽ thụ thai và sinh con, và Người sẽ gọi tên Ngài là Giêsu.” (Luca 1,29-31); và phần thứ hai: “Trong nữ giới có người là diễm phúc, và đánh chúc tụng thay hoa quả lòng người.” (Luca 1,42)

Ðoạn Kinh Thánh này trình thuật lại lời truyền tin của Thiên Thần đến Ðức Trinh Nữ Maria. Khởi sự, Thiên Thần gọi Ðức Maria không bằng tên Maria, nhưng là bằng tước hiệu: “Ðầy Ơn Phúc”. Lm. Nguyễn Thế Thuấn đã sử dụng đại danh từ “Người” để diễn đạt ngôi thứ hai trong cuộc đối thoại. Trong Kinh Kính Mừng chúng ta đang đọc hiện nay, đại danh từ “Người” được chuyển đổi thành đại danh từ “Bà”. Ðại danh từ ngôi thứ hai “Bà” trong tiếng Việt Nam là từ ngữ sử dụng để xưng tụng với một người phụ nữ đáng kính: Thưa Bà, Kính chào Bà v. v...

Phần thứ hai là lời cầu nguyện của chúng ta hướng về Ðức Mẹ: Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội...

Cả hai phần này đã xuất hiện vào thời Phục hưng. Thánh Phêrô Damian (+1072) đã ghi lại rằng: “Kinh Kính Mừng là lời cầu nguyện phổ thông của mọi người”. Thượng Hội đồng Giám mục tại Paris năm 1210 đã bày tỏ ước muốn là mọi tín hữu nên cầu nguyện bằng Kinh Kính Mừng (Ave Maria) cùng với Kinh Lạy Cha và Kinh Tin Kính.

Việc tự ý sửa đổi từ ngữ “Bà” thành từ ngữ “Mẹ” trong phần đầu của Kinh Kính Mừng là việc tự ý sửa đổi Kinh Thánh và là một việc không được phép làm. Vào thời điểm tức thời của giây phút truyền tin, Ðức Maria chưa là Mẹ (Luca chương 1 câu 29). Ðức Maria chỉ là Mẹ sau khi Ðức Maria chấp nhận lời thiên thần truyền tin và thốt lên lời “Xin Vâng” (Luca chương 1 câu 38) và đó chính là giây phút Chúa Giêsu nhập thể.

Tóm lại, Kinh Kính Mừng gồm hai phần phân biệt rõ rệt: (1) lập lại biến cố Truyền Tin được thuật lại trong Kinh Thánh và (2) lời cầu nguyện của chúng ta đến Ðức Mẹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Bài viết ngẫu nhiên

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...