hình 1:chứng tích khăn liệm xác chúa còn lưu lại đến ngày nay
I. Một vài điều cần lưu ý về khăn liệm
1.1. Di sản quí báu
Khăn liệm thành Turin không chỉ là một thứ vải khảo cổ, nhưng còn là “thành tích huy hoàng nhất về cuộc Thương khó và Phục sinh của Đức Giêsu” (Đức Gioan Phaolô II).
Việc khảo sát tỉ mỉ những dấu in trên tấm Khăn liệm, được soi sáng nhờ việc tìm hiểu của các chuyên gia Tin Mừng, những khám phá của khoa học, của lịch sử và khảo cổ học, cho chúng ta thấy rằng Đấng đã được chiếc khăn bao bọc cách đây 2000 năm, dưới thời Roma chiếm đóng, đúng là một người nam bị đóng đinh, khoảng 30 tuổi,chiều cao 1,83m.
Hơn nữa, chúng ta biết rằng người bị đánh đòn, trên đầu máu chảy lai láng do một vòng gai đâm thâu, người đã vác một tấm gỗ trên vai, bị đóng đinh trên thập giá, và ngược hẳn tục lệ, chân người không bị đáng giập. Khăn Liệm cho thấy rằng sau khi đã chết, cạnh sườn người bị một mũi giáo đâm làm cho máu và nước chảy ra.
1.2. Cung cấp một số yếu tố cần thiết
Khăn liệm mang lại cho chúng ta nhiều yếu tố mới về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, và giúp chúng ta suy ngắm nỗi khổ đau, cái chết và sự Phục sinh của Người.
Những vết thương và vết máu in trên tấm vải này nhắc nhớ chúng ta cảnh cảm động của Tin Mừng, nói về việc Chúa Giêsu sống lại hiện ra với Tôma để củng cố đức tin của thánh nhân bằng cách cho ông sờ vào những vết thương ở tay và cạnh sườn Người. Lúc ấy ông Tôma nhận ra Chúa, và trong ánh huy hoàng của Đấng Phục Sinh, ông đã kêu lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20, 2.
Những bức ảnh khăn liệm đầu tiên chụp ngày 25.04.1898 do nhà nhiếp ảnh Secondo PIA, là những bức ảnh rất đẹp và gây kinh ngạc. Ngay lần tráng phim đầu tiên, nói cách khác là từ âm bản, người ta đã khám phá ra bức hình thân thể một người bị xử tử và bị đóng đinh, một sự thật đầy cảm kích, và một khuôn mặt uy nghi đáng kính. Thực ra âm bản này xuất hiện như một bức ảnh dương đích thực. Khăn liệm thành Turin là một loại ảnh âm, âm bản cũ nhất trong lịch sử, một âm bản trên vải.
II. Suy niệm
2.1. Đánh đòn :
“Bấy giờ Philatô truyền bắt Đức Giêsu và đánh đòn Người.” (Ga 19, 1).
Toàn thân Đức Giêsu mang dấu vết của roi đòn. Roi của người La Mã làm bằng dây da, ở hai đầu có những viên bi nhỏ bằng kim loại song đôi, hình quả tạ, hoặc hình xương nhỏ. Luật đánh đòn Rôma thật khủng khiếp, đớn đau hơn luật Do Thái, luật này cho phép đánh không quá 40 roi.
“Phải nói thêm rằng chỉ nguyên những roi đòn thôi đã đủ làm sầy xước da, hoặc tạo những vết thương giập nát, và đã in thương tích (…), tôi đếm được tất cả hơn một trăm, có thể là một trăm, có thể là một trăm hai chục” (Bác sĩ P.Barbet).
Trên khăn liệm, thấy những dấu đòn trải khắp thân mình: phía trước, trên ngực, trên tất cả phía sau, từ vai tới hết ống chân, trừ cánh tay. Có thể giả dụ rằng trong lúc bị đánh, hai tay tội nhân bị trói vào một cây cột, hình như ở phía dưới đầu, như vậy giữ cho người đó không ngã xuống.
Bốn Tin Mừng đều kể là Người bị đánh đấm, bị tát và khạc nhổ vào mặt. (x. Mt 27, 27-31; Mc 15, 16-20; Lc 22, 63-65; Ga 19, 2-3) Khuôn mặt trên khăn liệm in dấu những hành động hung bạo với một vết sưng trên mũi và má bên phải. Sụn mũi Người thực sự đã bị thương do một cú đánh bằng gậy. Một phần râu của Người đã bị giật đi.
Gương mặt Người, dù mang những thương tích đau đớn không diễn tả nổi, vẫn biểu lộ một sự bình an với nét uy nghi cao cả.
“Chị chẳng phải buồn sầu vì Thánh Giá và nước mắt của Chúa Giêsu, mỗi khi chị năng tưởng nhớ lời này: “Người đã yêu tôi và nộp mình vì tôi!” (Thánh Teresa Hài Đồng Giêsu, thư 184).
“Ôi lạy Chúa! Con cảm tạ Chúa vì muôn vàn ân huệ Chúa đã thương ban, nhất là ơn được vượt qua vực thẳm của khổ đau. Trong ngày sau hết, con sẽ vui sướng ngắm nhìn Chúa với cây trượng thánh giá trên tay, bởi vì Chúa đã cho con được chia sẻ Thánh Giá quý trọng này. Ước mong ở trên trời, con sẽ nên giống Chúa và được thấy thân xác con rạng ngời nhờ những dấu thánh vinh hiển cuộc khổ nạn của Chúa”. (Trích trong kinh Hiến dâng cho Tình yêu thương xót)
Lạy Chúa, khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Chúa, con thấy mình chẳng là kẻ đứng ngoài cuộc. Con thấy mình có nét của Giuđa, một người được chọn, được yêu, được theo Thầy rất gần. Tất cả vỡ tan khi Giuđa bán Thầy bằng nụ hôn giả dối.
Con cũng thấy mình có nét giống Phêrô, ông tự hào về tình yêu của mình đối với Thầy rồi dễ dàng chối Thầy trước một cô đầy tớ. Có nhiều khi con cũng bỏ Chúa vì một thói quen, một sự nhượng bộ, nể nang không dám mất lòng người khác.
2.2. Mão gai
“Rồi chúng kết một vòng gai làm vương niệm đặt trên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: “Vạn tuế Đức Vua dân Do Thái!” Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người” (Mt 27, 29-30).
Người trong khăn liệm đã phải mang một mão gai. Vòng gai thường được trình bầy như một cái “vành đan”, nhưng nhìn trên khăn liệm thì đúng là một cái “mũ gai’, đâm sâu vào đầu người bị xử, một cách tàn nhẫn, trùm kín hết cả đầu. Mũ gai được nối với nhau bằng một vòng cói đan. Máu chảy trên trán và tóc, để lại những dấu tích đặc biệt, một đường tia máu chẽ ba chẩy xuống trán. Những tia khác chẩy xuống theo tóc bên phải và bên trái.
Gai đâm vào gáy làm máu chảy chan hoà, tại chỗ mà vòng cói làm xẹp tóc xuống, người ta nhìn thấy một vết dầu rỉ ra, hình như từ một chất béo, rất có thể là thứ dầu quý mà Maria Magdala Đã đổ trên đầu Chúa Giêsu, trong khi Người dùng tiệc tại nhà ông Simon, thầy thông luật.
“Điều gì làm được cô đã làm: cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi, để chuẩn bị ngày mai táng.” (Mc 14, .
“Vâng, Thánh Nhan Đức Giêsu sáng ngời! Nhưng, nếu giữa chúng thương tích với nước mắt mà Người còn đẹp như thế, thì khi ở trên trời, chúng ta sẽ thấy Người đẹp biết bao? Ôi! trên trời! … trên trời!” (Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, thư 95).
Con Thiên Chúa chẳng những đã chia sẻ phận người, Ngài còn chia sẻ thân phận của những người yếu thế. Trên thế giới này, mỗi ngày có bao Giêsu vô tội bị kết án bất công, bị làm nhục, bị khinh khi, hành hạ và bị đối xử tàn tệ cho đến chết.
Hàng ngày, khi chứng kiến biết bao cảnh nhiễu nhương mà tâm hồn con vẫn bình thản đến mức “khó hiểu”…! Con vẫn là kẻ vô cảm và đôi khi lại quay lưng với nỗi đau của con người!
hình 2:khuôn mặt của chúa giesu trích từ khăn liệm
2.3. Vác thập giá
“Lính điệu Đức Giêsu ra, chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hip-ri là Gôn-gô-tha.”(Ga 19,16-17).
Quan sát khăn liệm, người ta thấy rõ Người vác thập giá trên vai phải, do dấu chứng một vùng sẫm hình chữ nhật xiên, có thể phù hợp với một vết thương hở. Cũng vậy, vùng dưới vai trái, người ta thấy có những vết sước rộng, hoặc trầy da, chồng lên nhau tại chỗ có vết thương bị giập, do những roi đòn. Những thương tích và chỗ giap này là do việc vác thanh ngang của thập giá, một thanh gỗ nặng khoảng 40 kg.
Bác sĩ P.Barbet nhận định: “Những chỗ rách này không phải là những vết thương bị giập do đánh (trong trường hợp dùng roi). Đó chính là da bị trầy bởi sự cọ sát mạnh của một vật cứng và nặng trên phần cơ thể nhô ra và dẻo dai”.
Thực ra, đa số các nhà chú giải và nhà khảo cổ học hiện đại đều xác nhận rằng Đức Giêsu đã không vác hết cây thập giá, mà chỉ vác thang ngang gọi là “Patibulum”, còn thanh dọc hay “stipes” quá nặng dựng tại chỗ trên đất, nơi hành xử nạn nhân.
Trường hợp những lần ngã của Người, Đức Giêsu không thể dùng tay để đỡ thân mình, vì hai cánh tay đã bị cột chặt vào thanh gỗ ngang “Patibulum”. Thực ra, tấm khăn liệm cho thấy hai dấu của vết giập lớn ở đầu gối chân trái, với những chỗ da sước, cũng như nhiều vết giập nhẹ trên đầu gối chân phải.
Đức Giêsu đứng về phía người cùng khổ, Ngài vác thánh giá với họ. Chính vì thế, khi vác thánh giá theo chân Chúa Giêsu, chúng ta cùng chia sẻ thánh giá của cả nhân loại. Đức Giêsu vẫn còn bị đóng đinh cho đến tận thế, ngày nào còn một anh chị em của chúng ta còn chịu khốn khổ.
2.4. Đóng đinh
“Lúc chúng đóng đinh Người là giờ thứ ba… và bên cạnh Người chúng còn đóng đinh hai người trộm cướp, một người bên phải, một người bên trái.” (Mc 15, 25-27).
Đến Núi Sọ, Chúa Giêsu bị lột trần, nằm trên cây thập giá. Tấm ảnh chụp hình trên khăn liệm cho thấy: hai tay bắt chéo nhau ở phía trước. Bàn tay trái phủ gần hết bàn tay phải, chỉ thấy xuất hiện những ngón tay. Tay bị đâm thủng giữa chỗ nối bàn tay với phần trước cánh tay. Với nhát búa đầu tiên, chiếc đinh hơi chếch về phía trên, những nhát kế tiếp làm đinh xuyên qua cổ tay từ bên này qua bên kia, trong khoảng cách đã được tính trước, cho phép giữ chắc bàn tay vào thập giá.
Khi quan sát hai bàn tay, người ta thấy trên mỗi bàn chỉ có 4 ngón, còn ngón cái không xuất hiện. Bác sĩ Barbet khám phá ra rằng: quả thực chiếc đinh khi đóng sâu vào giữa đã kéo gập ngón cái vào lòng bàn tay. Hậu quả đó còn do những cố gắng cử động của Chúa Giêsu khi bị treo trên thập giá để có thể dễ hít thở hơn.
Vào một Chúa nhật kia, khi nhìn ngắm bức ảnh Chúa trên thập giá, tôi bị đánh động bởi máu chảy từ bàn tay cực thánh, tôi cảm thấy đau khổ khi nghĩ rằng: máu thánh đó rơi xuống đất mà không ai chạy đến hứng lấy, và tôi nhất định, trong tinh thần, đứng dưới chân Thập Giá để đón nhận hạt Sương Thánh đang trào tràn chảy xuống. Tôi hiểu rằng sau đó tôi phải đổ tràn xuống trên các linh hồn. Tiếng kêu của Chúa Giêsu trên thập giá vang lên liên tục trong lòng tôi: “Ta khát”. (Thủ bản Tự thuật A).
Và chính tôi cảm thấy bị thiêu đốt vì khao khát các linh hồn.” “Ơn gọi của tôi chính là Tình Yêu”.
2.5. Cạnh sườn bị đâm thâu
“Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh dập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra.” (Ga 19, 33).
Trên tấm khăn liệm, vết thương cạnh sườn bên phải có hình dạng trái trứng, chiều dài 4,8 cm và chiều rộng 1,5 cm.
Thực sự Đức Kitô đã bị một lưỡi giáo đâm vào cạnh sườn bên phải, nơi động mạch gian sườn thứ năm, mũi giáo hướng về tim. Người ta có bằng chứng là ngực bị đâm sau khi chết, vì lý do vết thương bị hở và mép vết thương không khép lại được, trong khi đó nơi người còn sống thì mép vết thương luôn luôn khép lại.
Vết bầm tương đương với một khối nước và máu, chảy ra từ cạnh sườn bên phải, uốn lượn xuống từ một chiều cao 15 cm. Các nhà phẫu thuật xác nhận rằng có lẽ nước chảy ra từ màng ngoài tim, và máu xuất phát từ bên phải của tim.
Vết thương có hình bầu dục đã cho phép nhận diện chính xác rằng: khí giới dùng để đâm cạnh sườn của nạn nhân đúng là lưỡi giáo của người Rôma. Khi thi thể Đức Giêsu đã được tháo xuống khỏi thập giá và mang đến phần mộ, máu chảy từ cạnh sườn xuống eo, kết thành một đai lưng đẫm máu.
2.6. Mai táng
“Ông Giuse, người Arimathia là môn đệ theo Đức Giêsu, nhưng cách kín đáo vì sợ người Do Thái, ông xin ông Philatô cho phép hạ thi hài Đức Giêsu xuống. Ông Philatô chấp nhận.” (Ga 19,3.
Thánh Gioan xác định rằng việc mai táng Đức Giêsu chưa trọn vẹn. Theo những phong tục: thi thể phải được tắm rửa, nhưng trong trường hợp này không làm được, vì phải sửa soạn Lễ Vượt Qua của người Do Thái, và ngày Sabat sẽ ló rạng trong vài giờ tới. Tin Mừng Gioan nói rõ: Sau khi đã bọc xác Đức Giêsu trong khăn liệm, ông Giuse Arimathia đặt Người “vào ngôi mộ mới, nơi chưa chôn cất ai bao giờ”.
Thay lời kết : Cuộc khổ nạn hôm nay của bao người
Pascal viết: “Đức Kitô còn hấp hối cho đến ngày tận thế”
Đi đàng thánh giá với Chúa Giêsu trong tuần thánh giúp ta nhậy cảm hơn với thánh giá của tha nhân và nhận ra mình có trách nhiệm trước mọi cuộc khổ nạn đang diễn ra trên hoàn cầu.
Đức Giêsu đã xuống tận cùng vực thẳm của phận người. Ngài muốn gieo hy vọng cho những ai thất vọng. Ngài đem lại ý nghĩa cho những khổ đau vô lý. Ngài đã đón nhận tất cả vì tình yêu thứ tha, nhờ đó thánh giá nở hoa, vực thẳm tràn trề sức sống.
Lạy Chúa Giêsu,
Vì Chúa đã xao xuyến trong Vườn Cây Dầu,
xin cho các bạn trẻ đủ sức đối diện
với những khó khăn gay gắt của cuộc sống.
Vì Chúa đã bị kết án bất công,
xin cho con can đảm bênh vực sự thật.
Vì Chúa bị làm nhục và bị nhạo báng,
xin cho các phụ nữ và trẻ em được tôn trọng.
Vì Chúa vác thập giá nặng nề,
xin cho những người ốm đau bệnh tật,
những người chịu đau khổ được đỡ nâng.
Vì Chúa bị lột áo và bị đóng đinh,
xin cho sự hiền hoà thắng được bạo lực.
Vì Chúa dang tay chết trên thánh giá,
xin cho Đất nối lại với Trời,
con người nối lại mối dây liên đới với nhau,
xin cho con sám hối trở về với Chúa.
Lm. Đaminh Đinh Viết Tiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.