Nói đến vị thế và vai trò của người phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo hôm nay và trong kỷ nguyên thứ XXI, người ta dễ bị ảnh hưởng đến những vấn đề có tính cách thời trang như phụ nữ làm Linh Mục, hay phụ nữ làm “Cô” Sáu Vĩnh Viễn (như Thày Sáu Vĩnh Viễn cho phái nam), phụ nữ giữ những chức vụ quan trọng và được tham khảo ý kiến trong những vấn đề có tính cách quyết định của địa phận, của Tòa Thánh v.v... Những vấn đề nói trên đã và đang được các nhóm nữ giới đòi quyền “bình đẳng” ở Âu, Mỹ triệt để khai thác, cộng thêm những thổi phồng của các cơ quan truyền thông, khiến chúng trở thành một thứ phong trào trong hiện tại.
Ngay cả một vài “đấng bản quyền” trong Giáo Hội dường như cũng bị lôi cuốn vào cuộc tranh luận này. Trong Thượng Hội Ðồng Các Ðức Giám Mục trên thế giới, nhóm họp tại Roma, tháng 10 năm 1987 về Vai Trò của người Giáo Dân, các ÐGM đã đề nghị cần có sự nghiên cứu sâu xa hơn về “những căn bản nhân chủng và thần học” hầu có thể thiết định “ý nghĩa và nhân phẩm của cuộc sống của một phụ nữ hay của một nam nhân.” (ĐGH John Paul II, On the Dignity and Vocation of Women On the Occasion of the Marian Year, “Mulieris Dignitatem,” p. 5, USCC, Washington DC, 1988).
Nhân dịp kết thúc năm Thánh Mẫu, nhằm ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, 15/8/87, Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố một tông thư mang tựa đề Mulieris Dignitatem. Tông thư còn có phụ đề “Về Nhân Phẩm Và Ơn Gọi Của Nữ Giới Nhân Dịp Năm Thánh Mẫu.”
ÐTC đã trích dẫn Kinh Thánh và các giáo huấn của Giáo Hội, đặc biệt những văn kiện liên quan đến vấn đề, kể từ Công Ðồng Vatincan II đến nay, để minh chứng những quảng diễn của ngài trong chiều hướng thần học, xã hội, và nhất là trong Mầu Nhiệm Cứu Ðộ của Chúa Kitô. Một nhãn quan hoàn toàn khác biệt với cái nhìn trần tục của “những người tranh đấu cho quyền bình đẳng” của phụ nữ.
Về Nhân Phẩm và Ơn Gọi của nữ giới, Ðức Thánh Cha đã viết rằng, trong khi “nhân phẩm của một phụ nữ được kết hợp chặt chẽ với tình yêu mà bà nhận lãnh trong đặc tính nữ giới của bà,” thì cùng một lúc “nhân phẩm đó được kết hợp chặt chẽ với tình yêu mà bà sẽ ban trở lại. Vì vậy chân lý về con người và về tình yêu đã được xác định.”(109) Ngài tiếp, “Sức mạnh luân lý và tinh thần của một phụ nữ được liên kết trong sự thấu hiểu rằng Chúa trao ban mạng sống con người cho bà trong một đường lối đặc biệt. Dĩ nhiên, Chúa trao ban mạng sống con người cho từng và mỗi con người khác. Nhưng sự trao ban này tương quan đến nữ giới cách đặc biệt - nhất là bởi lý do nữ tính của họ - và trong một cách khác biệt điều này xác định ơn gọi của họ.”(111) Tông thư thêm rằng “lực lượng luân lý của nữ giới, thu hút sức mạnh trong sự hiểu biết và trao ban này, đã tự biểu lộ qua một số lớn những nhân vật trong Cựu Ước, trong thời Chúa Giêsu, và những thế hệ kế tiếp cho đến thời đại của chúng ta.”(ibid.)
Một phụ nữ được mạnh khoẻ, ÐTC tiếp, “bởi vì sự hiểu biết của bà về sự trao ban này, mạnh mẽ vì sự thật rằng chính Chúa trao ban sinh mạng con người cho bà, luôn luôn và trong mỗi cách, ngay cả trong những hoàn cảnh của sự kỳ thị xã hội mà bà phải sống.”(Ibid). Tông thư giải thích thêm, “sự hiểu biết và ơn gọi căn bản này nói với nữ giới về nhân phẩm mà họ nhận lãnh từ chính Chúa, và điều này làm chọ họ “mạnh mẽ” và tăng sức cho ơn gọi của họ.”(Ibid). ÐTC ghi nhận rằng người “phụ nữ hoàn hảo” vì vậy trở nên “một hỗ trợ không thể thay thế và cội nguồn cho sức mạnh tinh thần cho những người khác, những người nhận thức được năng lực to lớn trong tinh thần của bà. Những người “đàn bà hoàn hảo” này đã được gia đình của họ, và đôi khi cả quốc gia phải chịu ơn.”(112).
Người ta phải nhận thấy rằng những thành công hiện tại về khoa học và kỹ thuật có thể làm cho con người đạt được những tiện nghi vật chất cho tới mức độ không thể hiểu được. Tông thư nhận định, “trong khi những thành công này gây tiện ích cho một số người, thì cùng một lúc chúng xô đẩy những kẻ khác ra ngoài lề của xã hội.”(Ibid) Trong hoàn cảnh này, ÐTC nói rằng “sự phát triển phiến diện đó có thể đưa tới một sự đánh mất từ từ sự nhạy cảm của con người, cái tinh túy của nhân bản.” Ngài nhấn mạnh, “thời đại của chúng ta đặc biệt chờ đợi sự biểu lộ của “thiên năng” thuộc về nữ giới đó, và điều đó có thể bảo đảm sự nhạy cảm cho con người trong mọi hoàn cảnh: bởi vì họ là người! Và bởi vì điều trọng đại nhất trong đó là TÌNH YÊU.”(Ibid).
ÐTC muốn nhấn mạnh, trong Ân Sủng của Chúa, điều mà Chúa, Ðấng Tạo Dựng và Cứu Thế, “trao ban cho nữ giới, cho từng phụ nữ. Trong tinh thần của Ðức Kitô, thực sự nữ giới có thể khám phá toàn diện ý nghĩa Nữ Tính của họ, và vì vậy được xếp đặt để ban một “món quà chân thật của chính mình” cho những người khác, và như thế họ tìm thấy chính họ.”(114) Ngài thêm rằng trong Năm Thánh Mẫu, Giáo Hội “ước muốn dâng lời cảm tạ lên Thiên Chúa Ba Ngôi về “mầu nhiệm của người nữ” và về từng phụ nữ - vì mầu nhiệm đó đã thiết định khuôn phép ngàn đời cho nhân phẩm nữ tính của bà, về “công việc vĩ đại của Chúa” đã được hoàn thành TRONG và QUA bà, trong lịch sử nhân loại. Cuối cùng, chẳng phải sự kiện lớn nhất lịch sử nhân loại - việc Nhập Thể của chính Chúa - đã hoàn thành trong và qua bà (Đức Maria) đó sao?”(Ibid).
Tông thư nhắc lại trong lịch sử ban sơ của Giáo Hội, “cùng song hành với nam giới đã có một số phụ nữ mà qua họ, sự đáp ứng của “cô dâu” đối với tình thương cứu độ của “chàng rể” đã tiếp nhận tràn đầy sức mạnh ban đi.”(101) ÐTC đặc biệt nhắc tới những phụ nữ “đã được gặp chính Ðức Kitô và theo Ngài,” rồi sau khi Ngài về trời, “họ đã cùng các Thánh Tông Ðồ chuyên tâm cầu nguyện trong phòng tiệc ly ở Giêrusalem cho đến ngày Ðức Chúa Thánh Thần hiện xuống.”(102) Ngài tiếp rằng chính những phụ nữ này “đã đóng một vài trò tác động và quan trọng trong đời sống của Giáo Hội sơ khai, trong việc xây dựng từ nền tảng, cộng đồng Kitô hữu đầu tiên - và những cộng đồng phụ cận - qua ảnh hưởng và những công tác khác biệt của chính họ.”(Ibid) Tông thư nhận định thêm rằng lịch sử Giáo Hội đã cho thấy những vai trò tương tự của nữ giới đã được tiếp diễn từ thế hệ này đến thế hệ khác.
ÐTC kết luận, “Ðể bảo vệ nhân phẩm và ơn gọi của của nữ giới, Giáo Hội đã bày tỏ sự tôn trọng và biết ơn đối với những phụ nữ đã, trung thành với Phúc Âm, chia sẻ trong mọi thế hệ về mọi công tác tông đồ của toàn thể Dân Chúa. Họ là những Ðấng Tử Ðạo, những nữ trinh, và những bà mẹ trong gia đình đã can đảm làm chứng nhân cho đức tin cũng như loan truyền Ðức Tin và Tông Truyền của Giáo Hội qua sự nuôi dưỡng và giáo dục con cái của họ trong tinh thần Phúc Âm.”(102-103).
NHỮNG NHẬN ÐỊNH
Ðức Giám Mục Joseph Imesch của giáo phận Joliet, Illinois, Chủ Tịch Ủy Ban soạn thảo bức thư mục vụ của HÐGM Hoa Kỳ về Nữ Giới (Partners in the Mystery of Redemption, tạm dịch: Những Người Bạn Ðời Trong Mầu Nhiệm Cứu Ðộ), đã nhận định rằng, “Ðức Thánh Cha, hơn bao giờ, đã mạnh mẽ lên tiếng về sự bình đẳng và nhân phẩm của nữ giới. Chúng tôi, HÐGM Hoa Kỳ, đồng ý trong mọi khía cạnh (của tông thư). Tông thư sẽ ảnh hưởng hữu dụng cho bức thư mục vụ của chúng tôi.” (National Catholic Register, số ra ngày 16/10/88). Dự thảo thư mục vụ nói trên đã được lưu hành, để tham khảo ý kiến toàn dân, cũng như để nhận những lời phê bình hoặc ý kiến thêm bớt, trước khi HÐGM Mỹ phê chuẩn lần cuối hầu có thể chính thức được ban hành.
Tuy nhiên nhận định nói trên của ÐGM Imesch đã bị những thành phần được coi là bảo thủ chỉ trích. Bà Kathleen Sullivan, giám đốc điều hành của Liên Minh Công Giáo Quốc Gia (National Catholic Coalition), ở Chicago, nói rằng, “Nếu các ngài (HÐGM Mỹ) thực sự đồng ý với tông thư của ÐTC, tôi nghĩ các ngài nên hủy bỏ việc viết thư mục vụ riêng đó đi vì nó không còn cần thiết nữa. Thực ra, tôi e rằng các ngài sẽ bị các nhóm “phụ nữ đòi quyền bình đẳng” (Feminists) ảnh hưởng và hướng tinh thần của thư mục vụ theo chiều hướng có lợi cho họ.” Bà Helen Hitchcock, giám đốc của hội Phụ Nữ Hỗ Trợ Ðức Tin và Gia Ðình (Women for Faith and Family) ở St. Louis, nhận định rằng, “Tông thư của ÐTC làm cho giáo huấn của Giáo Hội sáng tỏ hơn bản dự thảo thư mục vụ của HÐGM.HK.” Một số ý kiến khác cho rằng thư mục vụ của HÐGM.HK đã thiếu căn bản thần học và Kinh Thánh.
Các thành phần feminists đã “thất vọng” về tông thư (dĩ nhiên), nhưng họ vẫn phải công nhận đã có những điểm đáng “phấn khởi” trong tông thư, so với những văn kiện khác của Tòa Thánh về cùng một vấn đề. Bà Lisa S. Cahill, giáo sư thần học ở Boston College, cho rằng “ÐTC đã xác định sự bình đẳng của phụ nữ, nhưng ngài vẫn nói rằng bổn phận làm mẹ thì to lớn hơn tất cả những vai trò khác, đã làm cho lời của ngài có hai ý nghĩa.” Bà Susan Muto, giáo sư tại đại học Duquesne, Pittsburgh, và cũng là một trong những người phụ soạn dự thảo thư mục vụ của HÐGM.HK cho rằng, “Việc ÐTC chỉ trích sự kỳ thị phái tính (sexism), việc ngài nhấn mạnh đến trách nhiệm của nam giới trong bổn phận làm cha mẹ, và việc ngài dùng quan hệ giữa Chúa Giêsu và các phụ nữ như một mô phạm, đã phù hợp với những ưu tư của các ÐGM.HK.”
VẤN ÐỀ PHỤ NỮ LÀM LINH MỤC
Tông thư đã giải thích rất đầy đủ trong phần Phép Thánh Thể (96), về việc Chúa Giêsu chỉ nhận các nam nhân làm tông đồ: “Ngài đã hành động trong sự tự do hoàn toàn và phương cách tối thượng.” Nói rằng Chúa chỉ chọn các nam tông đồ vì thể theo xã hội trọng nam khinh nữ thời bấy giờ là không đúng. Chính Chúa đã “giải phóng” nữ giới qua việc Ngài, cũng trong sự tự do hoàn toàn, luôn luôn “nhấn mạnh đến nhân phẩm và ơn gọi của nữ giới” bất chấp những phong tục bất công thời đó.
Khi lập Phép Thánh Thể, Chúa truyền lệnh “Hãy làm việc này để nhớ đến Ta” chỉ riêng cho các tông đồ của Ngài mà thôi. Ơn tha tội cũng chỉ có các tông đồ nhận lãnh. Phép Thánh Thể trên hết diễn đạt “tác động cứu chuộc của Ðức Kitô, vị hôn phu đối với Giáo Hội hiền thê của Ngài.” Ðiều này rõ ràng và chắc chắn khi bí tích Thánh Thể được cử hành, theo đó vị linh mục làm thay thế Chúa Kitô, (in persona Christi - trong nhân thể của Ðức Kitô), là một nam nhân. Giải thích như thế, tông thư đã phù hợp với giáo huấn của tuyên ngôn “Inter Insigniores” do ÐGH Phaolô VI công bố năm 1976, để giải đáp cho câu hỏi liên quan đến vấn đề chấp nhận cho phụ nữ làm linh mục.
Ngày 8/11/88, trong một cuộc tiếp kiến với phái đoàn các Ðức Giám Mục từ Canada, Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã một lần nữa nhắc lại vấn đề này. Ngài cho biết việc Giáo Hội đang cần thêm nhiều linh mục, không nên là nguyên cớ để Giáo Hội truyền chức cho phụ nữ, hoặc cho phép người đã lập gia đình thụ phong chức linh mục. Ðiều này có thể là một thử thách nhiệm mầu để thêm sức và thanh tẩy thiên chức linh mục. Ðối với sự thiếu hụt linh mục cách trầm trọng (đặc biệt là ở Tây Phương) mà Giáo Hội không thay đổi các luật điều, thế giới có thể cho đó là ngu dại, nhưng Giáo Hội “minh chứng một sự khôn ngoan thiên tính, chứ không phải một sự khôn ngoan thế trần.” ÐTC đã nói như vậy. (Clarion Herald, New Orleans, 1/12/88). ÐTC nói thêm với các ÐGM Canada rằng, ngay cả việc chúng ta phải khốn khó vì thiếu hụt linh mục, điều đó có thể phải xảy ra để làm cho Giáo Hội hiểu được vai trò của linh mục cách sâu xa hơn.
Như đã trình bày ở trên, vấn đề một số nhỏ phụ nữ (nhưng to tiếng) ở Âu, Mỹ, phần đông là những nữ tu hoặc nữ tu xuất, đòi làm linh mục đã là một trong những cảnh hỗn mang của hậu bán thế kỷ XX. Một thứ phong trào được nảy sinh từ sự hỗn loạn tình dục (sexual revolution) của thập niên 60’s. Những hậu quả tai hại của “cuộc cách mạng” này là sự đánh mất căn tính của nhiều phụ nữ cũng như nam nhân; quan niệm lệch lạc về đời sống đức tin, luân lý, về sự tội; sự sụp đổ của nền tảng gia đình; sự gia tăng những tâm bệnh bất thường như đồng tính luyến ái...những căn bệnh nan y như bệnh HIV/Aids... Tất cả đã đưa nhân loại đến một thời điểm đáng báo nguy và cần phải duyệt lại lối sống của mình.
Gần đây, những thành phần chủ chốt của phong trào phụ nữ đòi quyền bình đẳng đã phải công nhận rằng, mặc dù phong trào đã “đòi” được nhiều quyền lợi cho nữ giới, nhưng những người đáng ra phải biết ơn phong trào nhiều nhất lại là những người đã bỏ rơi phong trào. Họ là những phụ nữ trẻ đang có việc làm vững chãi. “Nữ Giới Chủ Nghĩa đã hết hơi rồi,” bà Susan Brownsmiller, tác giả cuốn “Against Our Will” đã phải thốt lên như vậy. Bà Betty Friedan cũng bi quan không kém trong một bài “phân tách sâu xa” về nữ giới chủ nghĩa của bà. Tờ New York Times (một tờ báo theo phe cấp tiến) đã thực hiện những cuộc phỏng vấn với nhiều phụ nữ, họ đã cho biết rằng phong trào nói trên hiện đang “rất buồn chán,” “không hạnh phúc,” “cay đắng lắm,” và “không vui.” (OSV, 11/20/88).
Ngược dòng lịch sử, Giáo Hội đã trải qua nhiều thử thách, chịu đựng bao nỗi phong ba. Giáo Hội có thể phải uốn mình vì những cuộc tấn công tàn bạo của địch thù, nhưng Giáo Hội không bao giờ gãy đổ. Trước một thế giới đang lắm nỗi nhiêu khê và đầy bất trắc, Giáo Hội không thể nhắm mắt chiều theo những đòi hỏi khiếm nhã và nhất thời của một số “con cái thế gian” để làm mất đi hững hướng dẫn linh thiêng của “Sự Sáng.”
Người phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo của Ðệ Tam Thiên Kỷ (những năm 2000’s) cần nhận diện những giáo huấn chân chính, phù hợp với tinh thần Phúc Âm, thay vì những đòi hỏi có tầm phá hoại của một viên thuốc độc bọc đường. Những gương sáng của các vị Anh Thư, các Thánh Nữ trong Cựu Ước, Tân Ước, và thời đại hiện tại cần được nêu cao và xử dụng như những kim chỉ nam cho một thế hệ nữ giới mới, trong một thời đại mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.